LờI GIảI đáP CHO THí SINH “MắC KẹT" GIữA NGàNH "HOT" HAY THEO đUổI đAM Mê

Nhiều thí sinh băn khoăn trong việc lựa chọn ngành nghề cho tương lai, không biết nên theo đuổi ngành “hot” để có cơ hội việc làm cao hay theo đuổi ngành mình yêu thích.

Phân vân giữa ngành "hot" hay ngành yêu thích

Mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện chọn ngành nghề lại trở thành điểm nóng, là nỗi trăn trở của các sĩ tử. Đặc biệt, việc học ngành "hot" hay theo đuổi đam mê của bản thân cũng khiến các em đau đầu.

Có nguyện vọng vào ngành Truyền thông đa phương tiện, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Diệu Phương Nhi - học sinh lớp 12 Trường THPT Đoàn kết - Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Báo chí - truyền thông là lĩnh vực đang rất được quan tâm, em chọn ngành này, bởi em thấy cơ hội việc làm rộng mở, sau này có thể làm việc trong các cơ quan báo chí hay công ty truyền thông.

Môi trường học tập tại Học viện cũng rất tốt. Tuy nhiên, điểm chuẩn lại cao, tỉ lệ chọi lớn khiến em lo lắng về lựa chọn của mình”.

Phân vân giữa ngành "hot" hay nên chọn ngành vừa sức với bản thân khiến Lê Linh Chi - học sinh lớp 12 Trường THPT Minh Khai (Hà Nội) mệt mỏi.

“Em không thể xác định được ngành "hot", trường "hot" bây giờ, sau 5 - 10 năm nữa còn được quan tâm, cơ hội việc làm còn rộng mở không? Nhưng nếu chọn ngành nghề mình yêu thích, em lo lắng mình sẽ xa rời xu hướng phát triển chung của xã hội” - Linh Chi chia sẻ.

Không nên chạy theo xu hướng đám đông

Chia sẻ với băn khoăn của thí sinh, ông Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, ngành "hot" có thể hiểu là ngành xã hội đang cần, thí sinh học xong dễ tìm việc. Thế nhưng, ngành “hot” có thể “nguội” đi trong tương lai gần bởi sự bão hòa của thị trường lao động. Vì vậy, học sinh không nên chạy theo xu hướng đám đông, cần chọn ngành nghề dựa trên nhiều yếu tố.

“Chọn ngành nghề nào để theo học đang là thách thức lớn đối với cả học sinh và phụ huynh. Thí sinh cần xác định việc chọn ngành nghề sẽ quyết định tới tương lai phía trước của bản thân các em trong khi ngành "hot" chỉ mang tính thời điểm.

Các em nên tự trả lời những câu hỏi: Bản thân có mong muốn gì? Năng lực học tập ra sao? Điều kiện thực tế có cho phép theo đuổi ngành nghề đó? Cơ hội phát triển của ngành đó trong tương lai như thế nào? Khi đã tìm ra được mẫu số chung mới là lúc các em quyết định nguyện vọng” - ông Long chia sẻ.

Là người làm công tác tư vấn nghề nghiệp cho nhiều học sinh, cô Trần Nguyễn Việt Thanh - giáo viên Trường THPT Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) cũng cho rằng, nên chọn ngành nghề dựa trên yếu tố yêu thích, đam mê.

“Theo quan điểm của tôi, có đam mê, yêu thích thì mới có thể gắn bó lâu dài với một ngành nghề, kích thích con người ta vượt mọi rào cản khó khăn để theo đuổi. Nhiều bạn ban đầu chọn ngành "hot", trường "hot"; sau một vài học kỳ mới nhận ra bản thân không phù hợp hoặc không theo kịp chương trình học, từ đó bỏ ngang, thật sự rất đáng tiếc.

Vậy nên, với những học sinh đang mắc kẹt trong việc lựa chọn ngành nghề, các em nên dành thời gian lắng nghe bản thân để biết mình phù hợp với nhóm ngành nào, khoanh vùng từ từ để chọn được ngành phù hợp với bản thân” - nữ giáo viên đưa ra lời khuyên.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-29T10:26:00Z dg43tfdfdgfd